Ẩm ThựcKhám pháVăn Hoá
Xu hướng

Tết Đoan Ngọ

Tết Đoan Ngọ còn gọi là Tết Đoan Dương. Trong đó, “Đoan” là “mở đầu”, “Ngọ” là “giữa trưa”. Còn “Dương” (mặt trời) là khí dương. Tức là bắt đầu từ giữa trưa, lúc khí dương đang thịnh của ngày mùng năm tháng năm âm lịch.

Còn một điều nữa, ít ai biết tục lệ từ xưa ở nhiều địa phương, vào ngày Tết Đoan Ngọ người ta thường tranh thủ đi mua các loại lá cây thuốc, các món ăn vị thuốc và mang về nhà vào đúng giờ ngọ (từ 11 giờ trưa đến trước 13 giờ chiều), quê tôi gọi là “Hái lá mồng năm”. Chánh ngọ là mẹ nào con nấy, tay kéo tay dao ra vườn. Các cụ bảo, cứ thấy lá gì là bứt lá đó, có những lá ngày thường uống độc nhưng vào giờ ngọ ngày mồng năm, uống vẫn bình thường (trừ lá ngón). Cũng phải thôi, bởi đúng giữa trưa nắng nóng mắt nhìn hoa đôm đốm, các loại cây đã giảm bớt tính độc nên uống được mà không phải lo lắng. Thông thường, quê tôi thường hái những lá như: lá vối, ổi, dủ dẻ, sim, bạc hà, ngãi cứu, cỏ xước, bồ công anh, ích mẫu, mã đề, lá dâu, huyết dụ, đinh lăng… Những thứ đó trộn lẫn với nhau, rửa sạch phơi khô, có thể uống quanh năm (nhiều nhà còn mang đi bán, rất đắt khách).

Quê tôi ngày trước, Tết Đoan Ngọ không phải chỉ là ngày diệt sâu bọ mà là ngày chàng rể thể hiện tình cảm với bố mẹ vợ tương lai. Chính vì vậy nên người ta có câu “Mồng 5 thịt vịt chè kê/Tổ cha thằng rể không về mà ăn”. Lễ vật thường là đôi vịt đẹp, cân xứng (tôi đã từng đi theo Ba tôi, xách theo đôi vịt đến nhà của người yêu anh trai tôi. Có lẽ do tôi “mát tay” nên anh chị sau này đã thành đôi thành đũa). Cái cảm giác vào nhà người ta, ngồi uống nước mở đầu câu chuyện mà cặp vịt cứ “cạp cạp” trong chiếc làn nhựa đỏ, thật khó tả!

Tết Đoan Ngọ
Tết Đoan Ngọ

Trở lại với chuyện ăn Tết Đoạn Ngọ. Có lẽ sau tất cả là một chuyến đi biển. Trời đất ơi, phải nói là hâu như tất cả trong “roọng” đều tìm về biển, đổ xô ra biển, theo kiểu: “Bấy lâu thương biển nhớ rừng/ Hôm ni xuống biển tưng bừng biển ơi!”. Tầm 14,15 giờ là bãi biển Ngư Trung trở nên: “Ngựa xe như nước, áo quần như nêm”, chật ních người! Họ mang theo đồ ăn thức uống, rồi vợ bíu con dìu, rồi trai thanh gái lịch… Tất thảy đều vui chung trong ngày đặc biệt. Nói phải tội chứ cũng vì thế mà năm nào cũng xảy ra tai nạn tai niếc, ít thì gãy chân gãy tay, nhiều thì chấn thương sọ não, vào Huế thì dễ mà trở ra thì khó. Lạy trời cho năm nay bình an!

Cần phải nói thêm đoạn này:

Tôi không cần biết đến ông Khuất Nguyên khuất ngoeo nào bên Tàu bên Tây gì cả, nên đừng ai nói với tôi là ông bà mình đi làm lễ cúng “thằng cha bên Trung Quốc”, rồi từ đó bắc cầu bảo mình ăn theo họ, làm theo họ. Ờ mà theo cũng được, có sao đâu! Theo cái đúng cái hay thì cứ theo, chẳng sợ! Nhưng người Việt ăn mồng 5 là có lí do riêng của mình. Cái này gọi là “Quy luật thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập” đấy!

Chúng ta đều biết, với người dân miền Trung, mồng 5 tháng 5 thường là thời điểm kết thúc một vụ mùa bội thu để bắt đầu một vụ mùa mới. Người dân làm mâm cỗ cúng ông bà tổ tiên, các thánh thần để cầu mong mùa màng tươi tốt, con cái ăn nên làm ra, học hành tiến tới… Tôi nghĩ đây là lí do mà Tết Đoan Ngọ mồng 5 tháng 5 Âm lịch sẽ còn mãi với truyền thống Việt, văn hóa Việt!

MỒNG 5 THỊT VỊT CHÈ KÊ

Không biết câu ca trên có từ bao giờ nhưng với người dân quê tôi, mồng năm tháng năm âm lịch hằng năm không thể thiếu thịt vịt, chè kê ăn kèm với bánh tráng (bánh đa). Chè kê và bánh tráng vừng thì đã rõ, thế nhưng tại sao ông cha ta từ trước tới nay lại chọn món thịt vịt, món ăn xui xẻo trong những ngày đầu tháng? – Xin thưa: Đó là nghệ thuật âm thực.

Các nhà nghiên cứu khoa học cho rằng không phải ngẫu nhiên mà ông bà ta thường chọn ăn thịt vịt, chè kê vào ngày mồng năm tháng năm. Bởi lẽ, theo Đông y, thịt vịt có tính hàn, vị mát rất tốt cho cơ thể con người vào những ngày nắng nóng. Hạt kê nhỏ nên chứa nhiều chất dinh dưỡng hơn so với các ngũ cốc khác. Món chè kê có tác dụng bồi bổ khí huyết, cân bằng thể trạng cho những người thường xuyên dùng các đồ ăn, thức uống giải nhiệt.

Ngày xưa, khi kinh tế còn khó khăn chật vật, người ta trông tết nhất lễ lạc cốt là để được ăn. Vì thèm ăn nên nhiều gia đình mồng năm làm từ 5-7 con vịt. Tất tần tật toàn vịt là vịt: vịt ăn bún, vịt luộc, vịt nấu cháo, vịt kho sả… và đặc biệt là món tiết canh vịt.

Ở khắp các chợ, từ chợ Tréo, chợ Hôm Tuy, chợ Thùi, chợ Đôộng, chợ Cưỡi, chợ Mai, chợ Hôm Trạm… đâu đâu cũng nghe tiếng vịt “cạp cạp” rền cả một vùng. Vào ngày này, hàng ngàn con vịt từ các làng quê được chuyên chở về các chợ tiêu thụ trên những chiếc đạp, quang gánh… Vịt u ê tràn trề trên những chiếc xe đạp, đôi quang gánh kĩu kịt của các o các chị.

Rồi bún. Hàng bún trải khắp chợ. Bún đắt đến mức, một số tiểu thương hoặc người không rành buôn bán cũng có thể lấy bún để bán kiếm lời, khá dễ dàng. Thời trước, bún làm bằng tay chứ đâu phải máy móc hiện đại như giờ. Phương tiện vận chuyển đi các chợ cũng toàn bằng xe đạp hoặc gánh bộ. Thường thì tối trước hôm mồng năm, những nhà làm bún dưới Cổ Liễu chở những “thúng bao la” bún lên gửi ở nhà tôi, để sớm mai tiện cho việc mua bán ở chợ Hôm Trạm.

Tác giả: Đỗ Đức Thuần

Xem nhiều hơn

Bài viết liên quan

Một bình luận

  1. Can I simply say what a comfort to find someone that actually understands what theyre discussing on the net. You actually realize how to bring a problem to light and make it important. More and more people really need to read this and understand this side of your story. I was surprised that youre not more popular since you definitely possess the gift.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Nút quay lại đầu trang