Văn Hoá

CÁC LỄ HỘI Ở QUẢNG BÌNH ĐẶC SẮC VÀ ĐỘC ĐÁO NHẤT

Bạn đã từng đặt chân đến Quảng Bình? Đó là dải đất nhỏ nằm ở khúc ruột miền trung.  Mảnh đất mà thiên nhiên hết sức  khắc nghiệt, đầy cát,  nắng,  gió, bão, lũ triền miên. Nhưng tinh thần của người dân Quảng  Bình luôn lạc quan và yêu đời. Nếu có dịp mời bạn hãy trải nghiệm vùng đất nơi đây để chiêm ngưỡng những nét đẹp văn hóa tinh thần và truyền thống lịch sử của con người ở vùng đất đầy  linh thiêng. Bạn hãy cùng theo chúng tôi để lần lượt  khám phá những điều hấp dẫn và thú vị của người dân nơi đây qua các lễ hội ở Quảng Bình.

CÁC LỄ HỘI Ở QUẢNG BÌNH ĐẶC SẮC VÀ ĐỘC ĐÁO NHẤT

LỄ HỘI CẦU NGƯ

 Người dân vùng biển quê tôi sống chủ yếu dựa vào biển. Biển là mẹ thiên nhiên mang lại cho đời sống của người dân nơi đây  nguồn lợi vô cùng to lớn. Họ luôn cầu mong mưa thuận gió hoà để công việc làm ăn được hanh thông.. Vì vậy cầu ngư là hoạt động văn hóa dân gian, là tín ngưỡng tâm linh gắn liền công việc, sinh hoạt của ngư dân nơi đây. Lễ hội cầu ngư được người dân vùng biển thuộc các huyện Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy, thị xã Ba Đồn và TP Đồng Hới tổ chức long trọng và thường xuyên. Lễ  hội cầu ngư hằng năm diễn ra với niềm tin và sự kỳ vọng vào một mùa biển bội thu.

Lễ hội thường được ngư dân các làng biển tổ chức vào dịp tháng Giêng (âm lịch) nhằm tưởng nhớ ơn đức của cá Ông, cá Bà, mong cho trời yên biển lặng, mưa thuận gió hòa, nhiều tôm cá để người dân được  ấm no. Lễ Cầu ngư còn cầu mùa, cầu phúc, cầu thiện, cầu an, cầu lành, cầu cho thiên nhiên thuận hòa, đất nước thanh bình, làng xã yên vui, nhà nhà hạnh phúc.

Lễ cầu ngư là một trong các lễ hội ở Quảng Bình diễn ra với nhiều hoạt động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.Trước hết là phần lễ đầy uy nghiêm, kính cẩn với nhiều hình thức tâm linh và diễn xướng dân gian, hàm chứa nhiều giá trị văn hóa và có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục tình yêu quê hương đất nước; sự gắn  kết cộng đồng, biểu dương sức mạnh của ngư dân vùng biển: Nghi lễ quan trọng nhất trong lễ cầu ngư là nghi lễ đọc văn tế Thần Ngư do một vị cao niên có uy tín nhất được làng cử ra để dâng hương và đọc văn tế. Bài văn tế thể hiện lòng biết ơn sự che chở, nâng đỡ của cá Ông và cá Bà với ngư dân trong những chuyến đi biển, cũng như lời khẩn cầu về một mùa biển yên bình, bội thu  khẳng định niềm tin, ý chí, vượt qua thử thách để làm chủ vùng biển quê hương, Tổ quốc và vươn lên làm giàu từ biển của bà con ngư dân.

Sau nghi lễ này, là nghi lễ rước thuyền với  điệu hò chèo cạn. Trong đó, 6 người được xếp vai bạn thuyền chèo chiếc thuyền tượng trưng hướng ra khơi. Những người còn lại trong vai đội cờ dẫn thuyền.

Sau khi thực hiện xong các nghi lễ long trọng  là các hoạt động  của phần hội, với các hoạt động  vui chơi, thể thao, văn nghệ. Bên cạnh các trò chơi dân gian mang tính truyền thống, như: lắc thúng, đua thuyền, thi đan lưới,… còn có thêm các hoạt động mới, như: bóng đá bãi biển, hội thi ẩm thực….mang lại nhiều tươi mới và khởi sắc cho ngư dân.

 Với những nét độc đáo mang đầy tâm linh, gắn liền với thực tiễn cuộc sống được trao truyền và tiếp nối qua nhiều thế hệ, lễ hội cầu ngư của người dân, là một trong các lễ hội ở Quảng Bình được tỉnh Quảng Bình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận  là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào ngày 30/10/2018

LỄ HỘI ĐUA THUYỀN TRUYỀN THỐNG

Các lễ hội ở Quảng bình vô cùng đa dạng và phong phú. Nếu bạn có cơ hội về Quảng Bình vào dịp quốc khánh 2-9 hãy ghé Lệ Thủy để hòa mình vào không khí náo nhiệt tưng bừng của lễ hội đua thuyền truyền thống  trên sông Kiến Giang, đây là  nét văn hóa  đặc trưng của người dân sinh sống vùng sông nước Lệ Thủy. Quãng đường tranh tài khoảng 24 km dành cho thuyền trai bơi và 18 km dành cho thuyền đua nữ, lấy ngã ba Mũi Viết (Thượng Phong) làm điểm buông phao xuất phát và về đích. Có rất nhiều đò bơi của các xã tham gia tập luyện thi đấu, mỗi xã có thể tham gia một đò hoặc nhiều đò tùy theo kinh phí và số lượng dân cư của xã mình.

 Để chuẩn bị cho việc thi đấu vào ngày 2-9 thì các đội có công tác chuẩn bị từ rất sớm.Từ việc chọn thuyền, chọn trai to, khỏe dẻo dai để tập luyện. Thuyền dài gấp rưỡi nấc ngang, phải tìm gỗ tốt, mời thợ đóng mới sao cho thuyền thon nhẹ và lướt nhanh. Cùng với việc tuyển chọn tay chầm, tiến hành bơi thử, tìm bạn bơi thử nhằm kiểm tra sức dẻo dai với tốc độ cao trên con đường đua xanh. Từ giữa tháng tám , các bác nông dân, các trai làng lực lưỡng, và chị em phụ nữ đã gác lại công việc đồng áng, trở thành những “vận động viên bơi thuyền”. Họ hăng say tập luyện vì màu cờ sắc áo của thôn mình. Trong các lễ hội ở Quảng Bình thì lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang có lẽ là lễ hội đặc sắc nhất.

Đến với lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông ở Lệ Thủy vào dịp Quốc khánh 02/9 bạn sẽ cảm nhận được sự  náo nhiệt và đặc sắc của lễ hội này.. Bởi ở dưới sông, các tay chèo  của các làng cố gắng hết sức để đưa con đò của mình về đích. Còn trên bờ hàng ngàn người con của quê hương cũng như du khách hò reo mỗi lần các đội đua, bơi đi ngang. Sự tưng bừng của lễ hội, sự nhân văn trong nét ứng xử văn hóa của vùng quê Lệ Thủy đã tạo nên một nét văn hóa rất riêng, đậm đà bản sắc dân tộc.Và càng vinh dự và tự hào hơn   khi lễ hội Đua bơi thuyền truyền thống trên sông Kiến Gian được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào ngày  27.8.2019, do  Bộ trưởng Bộ Văn Hóa -Thể Thao – Du Lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã ký quyết định .

Đó là một trong số các lễ hội ở Quảng Bình tiêu biểu, đặc sắc  mà tôi nghĩ bạn nên một lần chiêm ngưỡng khi đến nơi đây. Ngoài ra khi đến mảnh đất này,  nếu có cơ hội bạn còn có thể đắm mình trong các lễ hội ở Quảng Bình khác nhau của các vùng miền để hiểu thêm về bản sắc dân tộc của người dân  Quảng Bình: Lễ hội đập trống của người Macoong, lễ hội trỉa lúa của người Bru-Vân Kiều, lễ hội cầu mùa, lễ hội chèo cạn-múa bông, lễ hội rước thần ở đình làng, lễ hội bài chòi….

Xem nhiều hơn

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Nút quay lại đầu trang