Điểm đếnKhám pháVăn Hoá

LỆ THUỶ QUÊ TÔI

Mời bạn về Lệ Thủy quê tôi, miền quê hương sông nước hữu tình để mê đắm với giọng hò khoan bên dòng Kiến Giang thơ mộng. Mời bạn đến với Hoằng Phúc cổ tự, với chùa An Xá để đắm mình trong câu kinh phổ độ cong oằn tiếng chuông ngân; mời bạn về thăm ngôi nhà của Đại tướng Võ Nguyên Giáp danh lừng sử sách, tiếng vọng năm châu; lên Trường Thuỷ, mời bạn thắp nén nhang thơm tưởng nhớ người đi mở đất phương Nam – Khai quốc công thần Nguyễn Hữu Cảnh; lại nghiêng mình trước khu lăng mộ Hoàng Hối Khanh, người đã dựng cờ khai phá lập làng xa xưa… Xuôi theo dòng Kiến, mời bạn về thăm đền thờ vị Tiến sĩ họ Dương với Ô Châu cận lục tiếng vang khắp nẻo… Bạn sẽ thực sự ngỡ ngàng, thú vị và mê say trước vẻ đẹp thơ mộng bình yên của vùng đất địa linh nhân kiệt. Tất cả những điều đó đã, đang và sẽ được những thế hệ người dân vùng sông nước quê tôi – quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gìn giữ, bảo tồn và phát huy, minh chứng cho những giá trị vĩnh hằng không bao giờ mai một với thời gian. Chúng tôi tự hào được là người con trên quê hương của hai Di sản phi vật thể cấp Quốc gia: Hò khoan Lệ Thủy và Lễ hội bơi, đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang.

Tất cả đã hun đúc nên những giá trị rất riêng, mang thương hiệu Lệ Thuỷ, tuyệt nhiên không lẫn vào đâu được. Mời bạn cùng tôi ghé thăm từng địa danh quê hương xứ Lệ mộng mơ…

Chùa Hoằng Phúc

Ngôi cổ tự có bề dày lịch sử hơn 700 năm, được 5 vị vua chúa đến dâng hương lễ Phật. Đó là vào năm 1301, trên đường viễn du Chiêm Thành, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã ghé thăm (Lúc này đang có tên “Am Tri Kiến”). Năm 1609, Đoan Quận công Nguyễn Hoàng cho xây dựng lại chùa trên nền cũ và đặt tên là “Kính Thiên Tự”. Năm 1716, chúa Nguyễn Phúc Chu – người có công trong việc mở mang bờ cõi Đại Việt đã cho xây dựng, trùng tu, đồng thời ban một biển đề tên “Kính Thiên Tự” và một biển đề đại tự “Vô song phúc địa” (đất phúc khôn sánh) và ngự chế 5 câu đối liễn treo ở chùa. Năm Minh Mạng thứ 2 (1821), trong chuyến ngự giá Bắc tuần, vua có ghé thăm chùa Kính Thiên và cho đổi tên chùa thành “Hoằng Phúc Tự”. Năm Thiệu Trị thứ 2 (1842), vua ngự giá Bắc tuần và có ông Tùng Thiện Quận vương tháp tùng đến thăm chùa Hoằng Phúc và cấp cho 300 lạng bạc để trùng tu lại chùa.

Trải bao biến thiên thăng trầm của lịch sử, sự tàn phá của thời gian, của chiến tranh, chùa bị tàn phá nghiêm trọng. Sau đó, ngôi chùa này đã được phục dựng, tôn tạo theo hướng giữ nguyên trạng chùa cũ (lối chùa cổ thời nhà Trần) gồm: Tam quan ngoại, tam quan nội, tháp Phật, tam bảo chùa và chính thức khánh hạ vào năm 2016.

Đến nay, chùa còn lưu giữ lại một số báu vật như tượng Phật bà Quán Thế Âm Bồ Tát, Địa Tạng Vương Bồ Tát cùng một số pháp khí bằng đồng được đúc rất tinh xảo. Đặc biệt, vẫn còn đại hồng chung cao 1,15m, đường kính thân chuông 0,57m, chu vi 1,45m được đúc vào thời vua Minh Mạng và cổng Tam Quan, nền nhà chính điện.

Chùa Hoằng Phúc
Chùa Hoằng Phúc

Chùa An Xá

: Khiêm tốn khép mình bên bờ tả ngạn của dòng Kiến Giang yên bình, chùa An Xá tọa lạc tại thôn An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy. Gọi là chùa nhưng nơi đây không có sư sãi trụ trì. Dân làng cử người thay nhau việc trông coi và hương khói trong chùa.

Chùa An Xá được thành lập vào những năm đầu của thế kỷ XIX, thuộc hệ phái Phật giáo Đại thừa hay Bắc tông (đạo được truyền lên phía bắc). Đây là giáo phái chuyên xây dựng chùa chiền theo lối kiến trúc truyền thống của người Việt và không chỉ thờ Bồ Tát, Phật, La Hán mà còn chủ định tôn vinh các vị đạo hạnh khác có thể không cùng tôn giáo.

Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp mỗi lần về thăm quê đều dành những phút giây quý giá để vãn cảnh chùa. Một lần trong số đó, năm 1999, Đại tướng đã tự tay trồng trong khuôn viên chùa An Xá một cây đa, giờ toả bóng mát sum suê, quanh năm xanh tốt.

Câu chuyện về cây dừa lạ, về chữ V đặc biệt được dân làng An Xá tụng truyền, rằng vẻ diệu kỳ được tự nhiên ban tặng ấy là để hướng lời ngợi ca đến anh Văn, người con kiệt xuất của làng An Xá. Chữ V là Văn – Võ, là Văn đức và Võ công:

“Văn lo vận nước, Văn thành Võ

Võ thấu lòng dân, Võ hóa Văn” (Hồ Cơ)

Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Ngôi nhà nhỏ, bên bờ sông Kiến Giang thuộc xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình từ nhiều năm nay đã trở thành một địa chỉ vô cùng gần gũi và thân thiết với đồng bào, chiến sỹ cả nước. Đó cũng là nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp cất tiếng khóc chào đời và có những kỷ niệm tuổi thơ. Đại tướng từng nói: “Quê hương, gia đình chính là nơi hun đúc ý chí, nhân cách và quyết định con đường đi của tôi”.

Đại tướng đã sống tại ngôi nhà này đến năm 13 tuổi. Sau đó vào học ở trường Quốc học Huế, nơi khởi đầu sự nghiệp cách mạng về sau này. Ngôi nhà cũ được xây dựng đầu thế kỷ 20 nhưng trải qua chiến tranh bị đốt phá, hư hỏng. Vào năm 1977, Nhà lưu niệm được phục dựng ngay trên nền đất của ngôi nhà cũ theo nguyên gốc kiến trúc điển hình của những ngôi nhà ở làng quê Lệ Thủy từ xa xưa với ba gian, hai chái lợp ngói, mái hiên được lợp bằng lá cọ, cửa bức bàn.

Gian chính giữa của ngôi nhà đặt bàn thờ tổ tiên, treo di ảnh hai cụ thân sinh của Đại tướng trang trọng. Các vật dụng trong nhà cũng rất đơn sơ từ bàn ghế, chiếc giường chiếu cói… đều thể hiện tính cách và tư tưởng sống rất giản dị của Đại tướng. Xung quanh kèo nhà treo một số ảnh Đại tướng chụp chung với Bác Hồ và với nhiều chiến sĩ. Những vật dụng ở vùng lúa Lệ Thuỷ như cày, bừa, cuốc, xẻng, chum, vại… được sắp đặt ngăn nắp. Những hiện vật và hình ảnh này, khiến cho du khách không khỏi bồi hồi xúc động, về một anh hùng quân sự thời chiến và một tấm gương sáng của Đại tướng trong cuộc sống đời thường.

Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là một điểm tham quan du lịch Quảng Bình, mà còn là một bảo tàng quý lưu giữ hiện vật lẫn giá trị tinh thần của một Đại tướng của lòng dân. Đến đây du khách không chỉ nhớ đến ông, nhớ về tinh thần sống đầy gương mẫu và rất cương nghị của ông. Đặc biệt cảnh vật ở đây như thêm hun đúc cho mỗi người lòng yêu kính, tấm gương để noi theo về một cuộc sống giản dị, một cuộc đời thật khiêm tốn cho đến khắc cuối cùng.

Nhà lưu niệm Đại Tướng Võ Nguyên Giáp
Nhà lưu niệm Đại Tướng Võ Nguyên Giáp

Khu lăng mộ Nguyễn Hữu Cảnh ở xã Trường Thủy

Nguyễn Hữu Cảnh (chữ Hán: 阮有鏡, 1650 – 1700), nguyên danh là Nguyễn Hữu Kính, với các tên húy khác là Lễ hoặc Thành, tước Lễ Thành Hầu (禮成侯), sau lại được triều đình truy phong tước Vĩnh An Hầu (永安侯) là một danh tướng thời chúa Nguyễn Phúc Chu. Ông được xem là vị tướng mở cõi Nam bộ với việc xác lập chủ quyền cho người Việt tại vùng đất Đồng Nai, Gia Định vào năm 1698. Kể từ thời điểm đó, miền đất này chính thức trở thành một đơn vị hành chính trực thuộc lãnh thổ Đại Việt, tức Việt Nam ngày nay.

Ông thuộc dòng dõi con nhà tướng, tổ tiên là Đinh Quốc Công Nguyễn Bặc – người khai quốc công thần thời nhà Đinh – Nguyễn Hữu Cảnh cũng là cháu đời thứ 9 của Nguyễn Trãi – người khai quốc công thần nhà Lê. Sinh ra trong gia đình truyền thống, lớn lên ở thời kỳ Trịnh – Nguyễn phân tranh nên tài năng của Nguyễn Hữu Cảnh sớm bộc lộ.

Khu lăng mộ Nguyễn Hữu Cảnh
Khu lăng mộ Nguyễn Hữu Cảnh
khu lang mo Nguyen Huu Canh
khu lang mo Nguyen Huu Canh

 

 

 

 

Lăng mộ Hoàng Hối Khanh

Hoàng Hối Khanh (1363 – 1407) nguyên quán xã Bái Trại, huyện Yên Định, nay là thôn Bái Trại, xã Định Tăng, huyện Thiệu Yên, tỉnh Thanh Hóa; sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống hiếu học, một vùng quê có nhiều thuần phong mỹ tục. Ông được gia đình cho học hành đến nơi đến chốn và đã đỗ khoa thi Thái học sinh (tương đương tiến sĩ sau này) năm Giáp Tý, niên hiệu Xương Phù 8 (1384), dưới thời vua Trần Phế Đế. Cũng năm đó ông được vua Trần bổ làm Thủ sứ ở cung Bảo Hòa.

Trong suốt cuộc đời của mình, Hoàng Hối Khanh đã có rất nhiều đóng góp cho đất nước trên các lĩnh vực. Ông là một nhà quân sự, một nhà chính trị tài giỏi, đồng thời có những đóng góp to lớn trên lĩnh vực ngoại giao. Ông xứng đáng được xếp vào hàng những nhà ngoại giao ưu tú của đất Việt. Ngoài tài năng chính trị, quân sự, ngoại giao, Hoàng Hối Khanh còn là nhà cải cách kinh tế táo bạo. Với vùng đất Quảng Bình, ông có những đóng góp không nhỏ.

Có thể nói, vai trò và những đóng góp của Hoàng Hối Khanh đối với vùng đất Quảng Bình nói chung, Lệ Thủy nói riêng trước hết là việc mở đất, di dân, giữ yên bờ cõi. Vì vậy, ông được người dân Lệ Thủy ngợi ca:

“Quê ta ông Tổ họ Hoàng

Dựng cờ khai phá lập làng từ xưa

Đến nay, lăng mộ của ngài còn nguyên vẹn tại phường Tiểu (thôn Đại Giang, xã Trường Thủy, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình). Lăng mộ có diện tích 40m2, xung quanh tường xây bằng đá. Phía hậu đầu có khánh vị khắc dòng chữ: “Đặc tấn phụ quốc, Thượng tướng quân, tặng kiệt tiết linh thông Quận Công Hoàng”. Dòng bên cạnh đề bốn chữ: “Kỷ Mão Trọng Đông”. Ở giữa là nấm mộ to, kế đến là đôn kệ làm bàn thờ, phía ngoài là hương án. Mặt tiền có hai trụ biểu ở cửa ra vào và bốn trụ biểu ở bốn góc tường, tất cả hình thể đều xây cất theo lối cũ. Vật liệu chính là đá và vôi vữa.

Nhà thờ Tiến sĩ họ Dương

Dương Văn An (chữ Hán: 楊文安) (1514 – 1591), biểu tự là Tĩnh Phủ (靜甫); là quan nhà Mạc trong lịch sử Việt Nam, và là tác giả của quyển sách địa lý – lịch sử nổi tiếng Ô Châu cận lục (烏州近錄).

Ông sinh tại làng Tuy Lộc, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Về sau, ông ra ngụ ở xã Phú Diễn, huyện Từ Liêm, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội).

Về gia đình và thời trẻ của Dương Văn An, hiện vẫn chưa có tư liệu đầy đủ. Tuy nhiên, theo lời tựa của sách Ô Châu cận lục do ông soạn, thì ông “sinh ra và lớn lên ở đất này, theo đòi nghiệp học, thấm nhuần giáo hóa, kể đã nhiều năm. Vào khoa năm Đinh Mùi (1547, dưới triều Mạc Phúc Nguyên), thì đỗ Tiến sĩ”.

Sau đó, ông được triều đình nhà Mạc bổ đi làm quan, thăng dần lên các chức: Lại khoa Đô cấp sự trung (tước Sùng Nham bá), Tả thị lang bộ Lại rồi Thượng thư, tước Sùng Nham hầu. Năm Tân Mão (1591), Dương Văn An mất lúc 77 tuổi, được tặng tước Tuấn Quốc công.

Ông nổi tiếng với tác phẩm Ô Châu cận lục. Theo lời tựa của ông viết đề ở đầu sách này, thì năm Quý Sửu (1553), nhân khi về quê chịu tang, ông được đọc hai tập tài liệu của hai người đồng hương biên chép về hai phủ Tân Bình và Triệu Phong. Bởi ham thích, nên sau đó ông đã khảo cứu thêm, bổ sung và sửa chữa để làm ra sách ấy.

Thay lời kết

Vật lộn với cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng con người Lệ Thủy qua nhiều thế hệ đã vun đắp cho mình một đời sống tinh thần phong phú. Qua quá trình đấu tranh, lao động, người dân trong huyện đã luôn nâng niu những nét đẹp giá trị truyền thống về văn hóa, tinh thần, học hành, sinh hoạt…

Mảnh đất, con người Lệ Thủy từ lâu đã có tiếng là một vùng đất văn vật. Sử cũ cho biết, một số di tích như Phật Lồi ở Quảng Cư, tượng đá cụt ở Uẩn Áo, chùa Chàm ở Mỹ Đức… thể hiện dấu vết của một nền văn hóa đã từng phát triển. Khi người Việt hoàn toàn làm chủ mảnh đất này thì đình, chùa, miếu,… được lần lượt xây dựng nên ở hầu hết các làng thôn với mục đích tốt đẹp. Đình làng để thờ thổ thần chung (những người khai khẩn lập ấp) là nơi nuôi dưỡng tinh thần cộng đồng làng xã. Nhà thờ họ là nơi ấp ủ tình thương dòng họ, đoàn kết yêu thương nhau “Một nhà gặp hoạn nạn, cả họ lo chung”. Chùa là nơi phản ánh bộ mặt văn hóa của làng thôn có đạo lí, truyền thống. Miếu để tôn thờ các vị ân linh có công đáng ghi nhớ, lưu truyền trong đời…

Lệ Thủy quê tôi đó, đẹp và bình yên đến vô cùng!

Tác giả: Đỗ Đức Thuần

Xem nhiều hơn

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Nút quay lại đầu trang