Khám pháVăn Hoá

MIẾU BÀ LỔ

Miếu Bà Lổ tọa ở thôn An Xá, xã Lộc Thủy. Không có tài liệu ghi cụ thể miếu được lập vào năm nào, thời nào nhưng theo các cụ cao niên trong làng thì lúc họ lớn lên đã thấy có miếu rồi. Theo chúng tôi, một nhân vật mang đậm chất huyền thoại như Bà Lổ thì ít nhất cũng đã ra đời cách đây vài trăm năm. Cũng đúng thôi, bởi lịch sử đua bơi của Lệ Thủy đã có từ rất lâu, có trước khi Dương Văn An viết “Ô Châu cận lục” vào năm 1553. Trong cuốn địa chí này, Tiến sĩ họ Dương viết: “Sang xuân mở hội đua thuyền với nhiều trai thanh gái lịch. Hạ đến, bày cuộc viếng thăm với nhiều chốn múa nơi ca…”. Rõ ràng ngày trước (ít nhất là trước 1553) đua thuyền được tổ chức vào mùa xuân. Nhưng từ Cách mạng tháng Tám thành công đến nay, người dân Lệ Thủy lại tổ chức đua bơi vào ngày 02 tháng 9. Ngoài ý nghĩa là ăn mừng Độc lập, lễ hội này còn là một tín ngưỡng của cư dân vùng sông nước – cầu đảo, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi.

Miếu bà Lỗ ở Sông Kiến Giang
Miếu bà Lỗ ở Sông Kiến Giang

Chuyện kể, ngày xưa, đò bơi An Xá mặc dù đã trổ hết mẹo mực (ngón nghề), đã tuyển chọn những trai bơi dẻo dai, sức vóc mà nhiều năm liền vẫn thua. Đã thua lại còn bị các đò bạn châm chọc kiểu như “đò An Xá đòi cho mấy đò khác chạy re khói…”, cho nên người An Xá ức lắm, muốn có cơ hội để phục thù mà sao khó như thể lên trời! May sao, năm đó giữa không khí chuẩn bị rộn ràng, tấp nập bỗng xuất hiện một cô thôn nữ mắt phượng mày ngài, má hồng môi thắm ghé đến bên chiếc thuyền bơi của làng đang tô vẽ mà rằng:

– Làng ta có muốn giật giải nhất năm nay không? Nếu muốn, tôi xin hiến một kế. Nhưng tôi dặn trước, hễ tôi làm gì trên bờ thì kệ tôi, các anh không được nhìn lên. Phải cố sức, chăm chú mà bơi.

Ngày hội diễn ra, các đội trai bơi mạnh tay nhấn chầm trên nước, khi các thuyền gần đến khúc cua của làng An Xá, bỗng nhiên có một cô gái trút bỏ xiêm y. Một cảnh tượng độc nhất vô nhị xảy ra trên bờ, khiến cho trai bơi của các đò khác không thể không ngoái nhìn ngắm, xuýt xoa nên đò đi khựng lại. Hình như ai cũng quên là trên tay mình đang cầm chiếc chầm – nghĩa là quên mất nhiệm vụ, quên cả máu thắng thua. Trong khi đó, vì đã được dặn trước nên đò bơi của làng An Xá vẫn phăng phăng tiến về phía trước. Khi đã kịp “hoàn hồn” thì các đò còn lại cách đò An Xá cả vài trăm mét. Họ cắm đầu cắm cổ chầm, nhưng tất cả đã quá muộn màng. Năm ấy, đò bơi An Xá về nhất trong sự cổ vũ, reo hò mừng vui của đông đảo người xem.

Truyền rằng, sau sự việc đó, cô thôn nữ ra bến sông trầm mình xuống dòng Kiến Giang vì bị thị phi thất tiết. Nàng hoá mình vào cây si bên bờ sông như nhắn gửi lời ủng hộ làng An Xá may mắn trong các cuộc đua bơi sau này.

Nhớ ơn người con gái đã có công lao với làng, nhân dân An Xá đã lập miếu thờ bên bờ sông, gọi là Miếu Bà Lổ.

Cứ mỗi dịp Tết Độc lập về trên quê hương Đại tướng, nhân dân An Xá lại chuẩn bị lễ vật, mâm cỗ, tiền vàng kính dâng lên bà, mong bà trù trì bảo hộ cho đò bơi của làng, cho trai tráng của làng mạnh khỏe, chiến thắng. Mà không chỉ có nhân dân An Xá, dịp này, hầu như địa phương nào cũng đều cử đại diện người đến đây để thắp cho bà nén nhang, cầu mong cho đò bơi làng mình giành được vị thứ cao trong cuộc tranh tài sắp tới.

Xem nhiều hơn

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Nút quay lại đầu trang