Khám pháVăn Hoá

HÒ BÀI TỚI TRONG DI SẢN HÒ KHOAN LỆ THUỶ

Cũng như bao miền quê khác, bài tới (nhiều nơi gọi là bài chòi, ở bài viết này, chúng tôi gọi là bài tới) ở Lệ Thủy cũng được coi là trò chơi dân gian phổ biến tạo nên hồn cốt mỗi dịp tết đến, xuân về. Trong ký ức của nhiều thế hệ con em Lệ Thủy, bài tới đã gắn bó sâu nặng với đời sống văn hóa tinh thần của người dân từ rất lâu đời.

Có thể kể đến những làng quê thường xuyên tổ chức bài tới mỗi dịp tết đến như: Xuân Lai (Xuân Thủy), Mỹ Lộc Thượng (An Thủy) ở phía tả ngạn sông Kiến Giang; Xuân Hồi (Liên Thủy), Thượng Phong (Phong Thủy), Thuận Trạch (Mỹ Thủy) ở phía hữu hạn. Theo tìm hiểu của chúng tôi thì bài tới là một trò chơi giải trí có tính chất văn nghệ quần chúng nên bài tới lôi cuốn người xem nhiều hơn là người chơi, đặc biệt là lôi cuốn các nghệ nhân dân gian trong vùng tụ tập để trổ tài hò hát, vì thế, người xem càng lúc càng đông đúc.

Trong di sản hò khoan Lệ Thủy, hò bài tới chiếm một số lượng khá lớn. Theo sưu tầm, khảo cứu của nhà nghiên cứu Đặng Ngọc Tuân trong cuốn “Hò khoan Lệ Thủy” thì chỉ tính riêng về thể loại hò này đã có 24 bài hò về 24 quân bài như con Nhì nghèo, con Tam quăn, con Tám tiền, Tứ cẳng, con Tám dây, Thái tử… Người lĩnh xướng vừa hò vừa đưa ra gợi ý sát đúng với nội dung tên gọi của quân bài được nhắc đến, thậm chí có nhiều câu hò rất xúc động, thiết tha khiến người nghe không khỏi chạnh lòng, bùi ngùi… về quân bài đang cầm. Ví như khi cầm quân bài Nhì nghèo trên tay, người chơi hò:

Hội Bài Chòi - Lễ Hội Quảng Bình
Hội Bài Chòi – Lễ Hội Quảng Bình

“Chồng chết, gặp ba ngày tết,

Mượn cuốc mà chẳng ai cho.

Hai tay bốc cát tra mồ,

Tình chàng nghĩa thiếp Hán Hồ biệt ly”

Hay:

“Chớ thấy chanh chua mà chíp miệng,

Chớ thấy vườn rộng mà lấn mà xông.

Cam sành chớ đợi quả bong,

Cây khô lá héo bởi không ai màng”

(Con Tam quăn)

Nếu chòi nào có lá bài đó thì ngay lập tức gõ ba tiếng mõ, kêu “cốc, cốc, cốc”. Tương ứng với đó là lá cờ màu đỏ sẽ được các anh quản trò đưa đến chòi có quân bài có tiếng mõ vừa phát ra. Cứ ba lá cờ màu đỏ sẽ được đổi một lá cờ màu vàng (có kích thước lớn hơn). Người thắng cuộc là người sưu tập đủ hai lá vờ màu vàng. Những câu hò, câu vè của quê hương, đất nước lại được dịp vang lên:

“Con cá bống cát nằm trên bãi cát,

Con chim chài đậu chiếc thuyền chài.

Anh với em nỏ thành gia thất vì ai?

Xưa kia trúc đà làm bạn với mai một cành”

(Con Thất)

“Mồng một cho tới mồng ba

Rộn ràng ong bướm sao anh mà vắng tanh”

(Con Ba trạng)

“Một duyên hai nợ, ba tình

Chiêm bao lặn khuất bên mình năm canh”

(Con Gà)

“Xưa kia em nói rằng thương

Anh về bán nhà bán cửa, bán ông táo thổ công.

Nay chừ em nói rằng không,

Anh nghe như sấm sét giữa đồng em ơi”

(Ông Ầm)

“Ai có tài thì tranh đoạt hơn thua,

Giả như Thạch Sanh thuở trước cứu con Vua Thủy Tề”

(Con Thái tử)

“Thẳng mực Tàu thì đau lòng gỗ,

Ta đây người quân tử không dành chỗ cho ai.

Ta vin cành trúc, ta dựa cành mai,

Có ông tơ bà nguyệt nghe ai nấy nhờ”

(Con Tám dây)

Hội Bài Chòi
Hội Bài Chòi

Rõ ràng, mỗi bài hò tương ứng với mỗi quân bài là tái hiện của một cuộc đời, một số phận hay thể hiện một quan điểm, tư tưởng đạo lí nào đó đã được dân gian khéo léo gửi gắm, nhắc nhở cho muôn đời sau những bài học làm người, về đối nhân xử thế… rất sâu sắc và thấu lí đạt tình.

Một câu hỏi đặt ra là bài tới xuất hiện ở Quảng Bình tự bao giờ? Đó là câu hỏi đang làm các nhà nghiên cứu văn hóa mải miết tìm câu trả lời. Có giả thuyết cho rằng, trong thời kỳ Trịnh – Nguyễn phân tranh, Đào Duy Từ đã đưa bài Tới dạy cho các binh sĩ chơi trong những ngày đầu xuân để họ vơi bớt đi nỗi nhớ quê nhà. Chính vì vậy, các chòi chơi hiện nay là sự cách tân, biến tấu từ chòi lính canh mà ra.

Tuy nhiên, cũng có một giả thuyết khác lại khẳng định, bài tới có nguồn gốc từ đời sống thuần nông của người dân xưa và các chòi canh lúa, canh rẫy chính là những hội bài tới đầu tiên ở Quảng Bình.

Tuy vậy, dù ra đời ở giai đoạn nào, hình thành ra sao, thăng trầm như thế nào, bài tới cũng đã có một chỗ đứng vững chắc trong cộng đồng, quy tụ những nét đặc trưng, đậm sắc nhất của văn hóa vùng đất Lệ Thủy, Quảng Bình.

Bên cạnh đó, có một điểm thú vị khác, đó là sự xuất hiện vô cùng đặc biệt của con bài Mỏ nhọn (Mỏ dzọn) – con bài chỉ có duy nhất ở bài tới Quảng Bình. Để giới thiệu con bài này, nhiều cách hô vè rất hay được áp dụng, như:

“Lẳng lặng mà nghe đi chợ:

Một trăm ông chú không lo

Mà chỉ lo mụ o nhọn mồm…”

Bài tới Quảng Bình đã được UNESCO công nhận “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại”. Đây chính vinh dự, tự hào lớn nhưng cũng đặt ra nhiều thử thách trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của bài tới trong cuộc sống hiện đại.

Việc Hò khoan Lệ Thủy được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (ngày 08 tháng 5 năm 2017) là cơ sở quan trọng để gìn giữ và phát triển làn điệu dân ca độc đáo gắn liền với cuộc sống, trong đó có hò bài tới. Và, chúng ta cùng hy vọng rằng, trong nhịp đập hối hả của cuộc sống hiện đại, những giai điệu sâu lắng của hò bài tới sẽ còn ngân mãi với thời gian. Đó cũng là cách để chúng ta bảo tồn và phát huy một giá trị văn hóa đặc sắc.

Xem nhiều hơn

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Nút quay lại đầu trang