Khám pháVăn Hoá

GIẾNG LÀNG

Từ xa xưa, cây đa giếng nước, sân đình đã trở thành biểu tượng của làng quê Việt Nam. Cây đa cho bóng mát và bầu không khí trong lành, giếng nước cung cấp nước cho mọi người. Sân đình là nơi sinh hoạt văn hóa lễ nghi, tín ngưỡng. Theo quan niệm của người Việt xưa, nước biểu trưng của âm tính, là nguồn sống, nên giếng làng chính là cầu nối giữa trời, đất và con người.

Chẳng thế mà dân gian có câu:

“Cây đa bến nước sân đình

Thành nơi hò hẹn chúng mình yêu nhau

Về nhà chẳng nói mẹ đâu

Xốn xang với việc lần đầu gặp anh”

Theo quan niệm, giếng nước tượng trưng cho sự dồi dào sung mãn, sức sống của dân làng. Như nguồn mạch của văn hoá dân gian, người dân còn gắn cho những chiếc giếng những câu chuyện, những truyền thuyết, huyền thoại mang tính nhân văn, thể hiện nét văn hoá tâm linh của cả cộng đồng.

Vào thời xa xưa, không có báo chí, không có truyền hình hoặc các phương tiện truyền thông như ngày nay, giếng làng là trung tâm tin tức. Bờ giếng là nơi người ta gặp gỡ nhau để thông tin thời sự về cuộc sống của làng. Từ những chuyện vui đến chuyện buồn, từ chuyện chung đến chuyện riêng, tất cả đều được thông tin, bình luận. Từ “trung tâm thông tin” này, các tin tức được loan báo về ngõ xóm cũng như đến mọi gia đình.

giếng làng
giếng làng

Nước giếng làng bao giờ cũng rất trong và ngọt, vì thường được thiết kế theo luật phong thuỷ địa lý. Giếng làng cũng là nguồn nước sạch cho mọi gia đình. Hằng ngày, họ đều đến gánh nước về, chứa trong những chiếc chum sành để dùng dần. Những người con của dân làng đang sinh sống xa quê, mỗi khi trở về, thường vục đầu vào dòng nước mát, cảm thấy tấm lòng thanh thản như được gặp gỡ hồn quê rất thiêng liêng và đáng trân trọng. Phần lớn những giếng làng đều có nước quanh năm, kể cả những thời kỳ hạn hán.

Trong truyền thống văn hoá Việt Nam, bờ giếng cũng là nơi hẹn hò của các cặp uyên ương. Có những đôi vợ chồng đã nên duyên nhờ gặp nhau khi đến kín nước ở giếng làng. Giếng làng là nhân chứng của biết bao mối tình, lắng nghe những lời thề non hẹn biển, những dòng tâm sự tưởng như không bao giờ chấm dứt của những đôi lứa yêu nhau. Giếng làng cũng được chứng kiến biết bao cuộc từ biệt chia ly hay hồi hương gặp gỡ. Giếng làng đã trở nên thân thiết gần gũi với dân làng, như một thành viên của cộng đồng xã hội, như chứng nhân lịch sử về những biến cố vui buồn của người dân. Không ít những đôi trai gái khắc lên thành giếng những lời yêu thương, như những lời thề nguyền thiêng liêng bền vững.

Theo quan niệm xưa, đào giếng là một việc quan trọng trong đời sống. Lấp giếng lại càng kiêng kỵ hơn. Để tìm được mạch nước tốt (đặc biệt ở những vùng đất cao, mạch nước ngầm ẩn sâu trong lòng đất), khi chọn đất đào giếng, người ta thường dùng nhiều chiếc bát sứ, lau khô, đợi khi mặt trời lặn, đặt úp bát xuống đất. Sáng sớm, bát sứ được lật lên. Chiếc bát nào phía trong đọng nhiều hơi nước thì chọn nơi đó để đào.

Cũng như nhiều miền quê khác, làng tôi có khá nhiều giếng. Tuy nhiên, đa phần trong đó được xây dựng trong thời chiến tranh chống Mỹ như giếng nước Đội 1, Đội 4, một số ít có từ thời xa xưa như giếng Chùa. Theo nhiều tài liệu nghiên cứu thì giếng Chùa được xây dựng cùng thời gian với Hoằng Phúc tự. Giếng nằm trong khuôn viên chùa, phục vụ sinh hoạt cho tăng ni Phật tử ngay từ hồi chùa có tên là Am Tri Kiến, được Phật hoàng Trần Nhân Tông ngự lãm (khoảng năm 1301). Khi trùng tu lại chùa vào tháng 11 năm 2014, người ta đã dò tìm và phục dựng lại giếng. Giếng Chùa nước trong mát quanh năm, không bao giờ khô cạn, kể cả những năm hạn nặng.

Không chỉ riêng giếng Chùa, các giếng khác, dù được xây dựng sau này cũng đều có đặc điểm chung, đó là nước ngọt mát, trong xanh và đầy ắp nước. Những lần hạn hán đến sông Kiến Giang cũng cạn nước thì nước trong những giếng này vẫn còn, người dân trong vùng lại đến lấy nước từ đấy về phục vụ sinh hoạt, trẻ con tha hồ tắm rửa, nghịch ngợm…

Một giếng (có thể rất cổ) giờ đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ, đó là giếng Cơn Sanh (cây sanh) nằm ở khu vực Rậy (rẫy) Mơớc. Hôm qua khi tôi đến đây, giếng gần như đã không tồn tại nữa, chỉ còn là một vũng nước nhỏ, đục và bẩn thỉu. Tôi thấy tiếc cho giếng nước đã gắn liền với nhiều kỉ niệm của lớp ông cha trước đây. Còn nhớ mấy chục năm về trước, mỗi khi theo chân Ba lên thăm mồ mả tổ tiên, thể nào ông cụ cũng dắt tôi tới giếng Cơn Sanh để rửa mặt và vục tay hớp miếng nước trong xanh, ngọt lịm. Gọi là giếng Cơn Sanh vì giếng mọc cạnh cây sanh to. Tuy ở vùng đồi nhưng nước ở đây không bao giờ khô cạn, bởi nó có mạch nước ngầm phun lên từ lòng đất, quanh năm suốt tháng không ngừng nghỉ. Với nhiều người thì giếng Cơn Sanh là một phần cuộc sống, ăn sâu vào tâm linh của họ. Đồn rằng, có những người trước lúc lâm chung chỉ tha thiết có một nguyện vọng, được uống một ngụm nước lấy từ giếng Cơn Sanh về rồi mới thanh thản ra đi… Riêng tôi thầm nghĩ, các cơ quan chức năng có thẩm quyền ở xã, thôn nên có động thái tích cực nhằm gìn giữ, bảo vệ giếng nước này.

Tôi có nhiều kỉ niệm với giếng nước ở Đội 1 nơi mình sinh ra và lớn lên. Còn nhớ ngày xưa vào những năm hạn nặng, dân trong làng đổ xô đến giếng để tắm giặt, để gánh nước mang về. Những đêm hùa hè oi bức, Ba thường dắt chúng tôi ra giếng tắm rửa, kì cọ. Tiếng trẻ nô đùa, tiếng nước chảy lòa xòa chen lẫn tiếng cười rúc rích, đến giờ như vẫn còn nghe, đâu đây…

Đó là chưa kể, bọn trẻ con thích phá phách, nghịch ngợm cứ mỗi sớm mỗi tối, trần truồng nhảy xuống giếng, chờ khi những bà những mẹ những o con gái đi gánh nước, lúc vục gàu xuống kéo lên thì bị níu lại, giật giật khiến người đứng trên hoảng sợ vừa chạy vừa là làng: “ma, ma ma…”.

Rất may là các giếng nước kể trên, từ giếng Chùa, giếng xóm Chùa (giếng xóm Chùa nằm trước mặt, ngoài khuôn viên chùa Hoằng Phúc. Đây là giếng to nhất, được xây bằng đá oong, rất đẹp và cổ kính), rồi giếng Đội 4, Đội 1… đều được nhân dân góp tiền trùng tu tôn tạo, như một cách làm chung tay gìn giữ nét xưa.

Giờ đã có nước giếng khoan, nước máy. Sông Kiến Giang cũng không bao giờ cạn bởi đã có công trình đập An Mã tích trữ nước. Nhưng mỗi lần đi qua giếng làng, giếng Chùa, lòng tôi lại nôn nao một nỗi niềm hoài cổ, như chơi vơi, lạc lõng.

Giếng làng, ai nhớ ai quên!

Tác giả: Đỗ Đức Thuần

Xem nhiều hơn

Bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Nút quay lại đầu trang