Ai trong đời cũng đã từng đi qua nhiều cái ngã ba ngã tư, nhiều đến mức ta chẳng bao giờ để ý và nhớ hết. Riêng chúng tôi, những đứa trẻ thế hệ 7x, 8x thì ngã ba Chợ Trạm là tên gọi không bao giờ quên được, là địa chỉ tìm về sau những bước chân dài ngược xuôi…
Gọi là ngã ba Chợ Trạm là vì chợ Hôm Trạm nằm bên ngã ba. Hồi trước, còn có người gọi là ngã ba ông Thưởng, bởi nhà ông Thưởng ở ngay ngã ba, phía dưới biền hạ.
Rồi cũng có người gọi là ngã ba cơn bàng vì ở đó có một cây bàng rất to, tỏa tán lá xum xuê, che rợp cả một vùng.
Đó là nơi hội tụ của những câu chuyện vui buồn…
Nhà bác Thưởng (nhà anh Vinh chị Huệ bây giờ) có quán sửa xe đạp, phía trước có cây nhãn rất to và sai quả. Đến mùa nhãn, bác thường lồng bằng những chiếc lồng tre, chúng tôi đi học qua về ngang đó thường đứng ngoác mỏ nhìn, lòng đầy ghen tỵ và ao ước! Ghen tỵ và ao ước là bởi ngày đó giống nhãn lồng rất ít được trồng và vì thế mà hiếm khi được ăn.
Tiền thân của Bưu điện Chợ Trạm ngày đó là một cái quán nhỏ bằng gỗ (thuê đất nhà bác Thưởng) và người đầu tiên làm ở đó là o Sơn, chủ yếu là bán báo và có cái thùng thư (vì hồi đó mọi thông tin liên lạc đều bằng thư cả, không như bây giờ). Tuy vậy, nó cũng đủ lạ lẫm và sang trọng để tụi nhỏ đu bám mà coi, mà trạo đủ thứ chuyện. Có đứa tinh nghịch còn chọc o Sơn, bảo o là “Cháu chào Trưởng ty Bưu điện”, lịch sự vậy mà bị o nạt và đuổi đi…
Cũng ở nhà bác Thưởng, chỗ cây nhãn có một tấm biển hiệu sang chảnh vào loại bậc nhất thời bấy giờ: “Đức Trai chụp ảnh, cách đây 500m” và cái mũi tên hướng về phía đường về chợ Tréo.
Phía bên trái đường đi vào Chùa, là quán cắt tóc của ông Giai, vào một đoạn là quán cúp ông Phúc và có cả ông Quy. Ngoài chức năng nhiệm vụ là hớt tóc, những quán này thực sự là “trung tâm nghe nhìn” của cả làng cả xã. Chuyện gì, ở đâu, khi nào, như thế nào? Đều có ở đấy cả.
Hồi đó, chúng tôi sợ ông Phúc và ông Quy, nên thường đến chú Giai cắt. Cứ cắt một tí, ông lại bày tiết mục mài dao vào miếng sao su, rồi liếc vào lòng bàn tay, thấy mà sợ. Bọn trẻ con thường không ngồi yên một chỗ, nên chuyện sứt da chảy máu là chuyện thường ngày.
Nhớ nhất, vui nhất và rộn ràng nhất là dưới cây nhãn, có cái ghế bê tông dài dài, nơi mà cứ mỗi chiều chiều, những người lớn tuổi thường đến đánh cờ tướng, trong đó có Ba tôi. Cờ tướng xưa nay chỉ có 2 người đánh, tuy nhiên đánh ở đây ngoài 2 người của 2 bên quân đỏ trắng ra, còn có rất nghiều người vây quanh để coi, để chỉ choọc, để bày vẹ nên mới gọi là cờ làng. Vì là cờ làng nên sôi nổi y như cái chợ, rồi lời qua tiếng lại, rồi cãi cọ, rồi hất bàn hất ghế… tất cả cũng chỉ tại cờ làng.
Tôi nhớ hồi đó, thường là đánh chơi, nghĩa là không ăn thua sát phạt gì cả. Nhưng sau đó, hình như là Ba tôi đề xuất, nếu cứ đánh chơi thì không có lửa, nên quy định đánh ăn thuốc. Thua 1 ván, mất 1 điếu thuộc Jet (hồi đó thuốc Jet thuộc dạng sang trọng nhất trong các loại thuốc lá). Rồi tiến đến quy định vài điếu, để người đứng ngoài còn có cơ hội hút nữa.
Chao ôi! Vui chi lạ!
Ngã ba, còn là nơi hội tụ của những người chờ đợi nhau, hoặc số thanh niên choai choai hẹn nhau đi tán cấy, đi chơi… Vì sao lại đứng chờ nhau ở đó? Là vì hồi đó không có điện thoại, không chát chít như bây giờ. Ai muốn hẹn ai, phải có địa điểm cụ thể, nếu không sẽ tìm nhau cả ngày mà không ra. Ấy vậy là ngã ba thành điểm hẹn lí tưởng. Và đèn pin, và xe đạp chí chóe một vùng…
Ngã ba còn là điểm đến hấp dẫn mỗi dịp Tết Lễ, đặc biệt là dịp Lễ Quốc khánh 02/9.
Người mua kẻ bán tấp nập.
Nào khế ngọt xâu từng xâu 5 quả trong cái thanh tre chẻ nhỏ, mảnh;
Nào là dâu gia để trong thúng, từng thúng bun bê tràn trề;
Nào là bưởi, là mùn cun, là chuối…;
Rồi bong bóng hình con mèo của ông Thợ Nhuộm;
Rồi đồ chơi trẻ em, mặt nạ Tôn Ngộ Không, Bát Giới…
Đủ sắc màu trong tấp nập dòng người.
Rồi quán ăn, dịch vụ ăn uống của HTX…
Nghe tiếng mọ nôốc bơi lên, dòng người tràn xuống Bến chợ đông nghịch trong chen chúc, í ới, hò reo…
Hớc mỏ như mỏ coi bơi xong, dòng người tản ra như kiến vỡ tổ.
Ngã ba còn là “đất dụng võ” của eng Hưng. Trời hè đổ lửa, eng lại “nóng trong người” nhảy ra múa võ, bắt nạt những người lạ, níu xe đạp của những o thanh nữ… Có khi, eng còn lấy lốp xe đạp đốt ngay ở giữa ngã ba. Ai không biết eng, sợ vại nước đái… (giờ mới thấy eng Hưng hiền như cục đất, chẳng qua là eng dọa, ai mà sợ eng càng lần tới).
…
Ngã ba Chợ Trạm mà tôi biết là vậy đó.