Ẩm ThựcVăn Hoá

CƠM ĐÙM GẠO BỚI

Đó là thành ngữ chỉ sự chuẩn bị lương thực trước một chuyến đi xa. Cơm đùm (đùm cơm trong lá chuối hoặc mo cau khô) thường chỉ để ăn một bữa trưa hoặc tối. Còn nếu chuyến đi dài ngày thì phải “gạo bới” (mang theo gạo) để nấu hoặc gửi nhờ người khác nấu hộ. Trước đây, trong chiến tranh loạn lạc, khi cuộc sống còn muôn vàn khó khăn, quán xá không, đồ ăn liền (fastfood) cũng không, đi đâu người ta cũng phải cơm đùm gạo bới. Câu nói này, nay vẫn được dùng với mục đích chỉ sự chuẩn bị chu đáo (về tiền bạc, tư trang…) trước một chuyến đi công tác, học tập, lao động… nào đó.

Còn nhớ lúc sinh thời, Ba tôi thường kể về những đi chuyến công tác xa nhà. Trong những lần đó, ngoài chiếc xe đạp và cặp tài liệu, không thể thiếu chiếc bao cát, mang theo dăm bảy lon gạo, đến cơ sở, gửi gạo trong những nhà dân xin ở nhờ, họ sẽ nấu cho ăn. Câu chuyện gợi nhắc về một thời gian khổ và trong sáng, nghĩa tình. Thời mà cái kim sợi chỉ đều là của dân, cán bộ đảng viên đều là công bộc của nhân dân…

Chuyện xưa qua rồi. Nay, xin được mạn đàm kĩ hơn về cơm đùm của người Lệ Thủy, coi như gợi nhắc lại một kỉ niệm đẹp trong kí ức của mỗi người.

Cơm đùm tuy nấu gói đơn  giản nhưng đòi hỏi khi nấu, khi đum phải cẩn thận, khéo tay mới có đùm cơm ngon. Để đùm cơm, người Lệ Thủy phải chọn gạo ngon, hạt mẫy. Cơm nấu không được quá khô (sẽ không kết dính khi gói hoặc rời rạc không gói chặt được), cũng không được quá nhão (cơm sẽ không ngon).

Có hai cách gói cơm là gói cơm trong lá chuối và gói cơm trong mo cau.

cơm đùm gạo với
cơm đùm gạo với

Để gói cơm trong lá chuối thì trước đó phải chọn lá chuối lành lặn (thường là loại chuối sứ), đem hơ qua lửa cho lá héo mềm, không bị rách, cho lượng cơm vừa với khẩu phần ăn vào vắt chặt rồi gói kĩ lại như gói bánh chưng.

Để gói cơm trong mo cau thì cũng thao tác tương tự. Tuy nhiên, do mo cau bền, chắc nên khi gói có thể ép rất mạnh khiến cả gói cơm dính rất chặt vào nhau. Cơm gói trong mo cau khô ráo không đổ “buồn” (hơi nước). Vì thế gói cơm mo cau phổ biến hơn là gói cơm lá chuối, mỗi nhà thường có vài ba cái mo cau dự trữ để gói cơm, khi ăn xong lại rửa sạch mo để dùng vào lần khác.

Cơm đùm thường ăn kèm với đồ ăn khô. Đến bữa cơm, mỏ mo cau, lá chuối ra, cơm lúc này đã dính kết thành tảng, dùng dao cau dau nhíp, hoặc thanh tre nứa sắc cắt thành miếng, chấm với muối vừng muối lạc, ăn rất ngon lành!

Ngày nay, đi đến đâu, dù là chốn thâm sơn cùng cốc cũng quán xá tràn lan, cơm bún phở đầy tràn. Lại không thiếc các thức như lương khô, mì tôm… nên chẳng cần phải mang theo cơm đùm gạo bới làm gì cho phiền toái.

Giờ, người ta ăn cơm đùm trong nhà hàng sang trọng, như muốn nhớ về một thời gian khó chưa xa. Còn đúng nghĩa cơm đùm gạo bới, giờ chỉ còn trong kí ức của chúng ta!

Tác giả: Đỗ Đức Thuần

Xem nhiều hơn

Bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Nút quay lại đầu trang