ĐI CỦI ĐI RÀO
Củi (củi xâu, củi bó, củi triêng…) là chất liệu dùng để đun nấu bếp núc. Ngày xưa chưa có gas, chưa điện, ở nông thôn thuần nông như Lệ Thủy, tất tần tật việc nấu nướng đều phải dùng củi. Nhà nghèo thì phải “đi” (tức lên rừng chặt), nhà có điều kiện thì ra chợ mua. Vì vậy, đi củi còn là một nghề kiếm sống của một bộ phận người dân, nhất là ở các vùng bán sơn địa như Thái Thủy. Dương Thủy, Văn Thủy, Trường Thủy…
Rào (cây và cành gỗ nhỏ, thẳng, có đường kính từ 2-5cm, dài từ 2-5m) dùng vào rất nhiều công việc trong gia đình như: Làm bộ khung xương của phên nhà trét đất, hay cũng có thể làm bờ giậu (ngày trước không xi-măng cốt thép như bây giờ), rồi làm ràn trâu ràn bò, làm giàn bầu giàn mướp…
Đi củi đi rào thường có ba cách: đi bộ (gánh), đi xe bò (hoặc xe ba-gác kéo tay) và đi đò.
Dân miệt trên thường đi bằng cách 1 và cách 2. Miệt dưới, vì xa nên phải đi đò. Dù là đi bằng cách gì thì cũng đều “cơm đùm gạo bới”, nghĩa là đi cả ngày, có khi thâm cả đêm.
Dân đi củi rào phải dậy từ lúc 3-4 giờ sáng và thường kết thành từng nhóm để dễ bề hỗ trợ lẫn nhau lúc hiểm nguy.
Sau khi vào rừng, người đốn củi rào chia nhau tìm chỗ (lùm) để chặt lần lượt như kiểu phát quang. Khi ước lượng số củi rào chặt được đã đủ cho một chuyến đi, người ta tiến hành bó củi. Khâu bó củi cũng là một nghệ thuật, bởi không phải ai cũng co thể bó được một bó củi cứng cáp, chắc chắn và đẹp mắt. Một số anh láu cá, cả buổi ngồi chơi, đợi lúc người ta về mới tranh thủ chặt và bó “kiểu”, nghĩa là bề ngoài nhìn có vẻ đầy đặn, nhưng bên trong “tôồng bôộng” (rỗng). Làm vậy vừa gánh nhẹ lại vừa khỏe thân, nghĩ cũng lắm trò ma quỷ!
Nếu đi bộ, người ta dùng đòn xóc (thanh gỗ chắc, hai đầu nhọn, dài tầm 2m) để xóc 2 hoặc 4 bó củi chia làm hai đầu, gánh về. Nếu đi xe bò hoặc xe ba-gác, người ta chỉ việc chất củi lên đầy xe. Còn nếu đi bằng đò, phải qua một khâu trung gian, tức gánh củi về tập kết ở bờ sông, sau đó chất lên thuyền, chèo về.
Tui vào mục đích sử dụng mà người ta chọn đi củi hay đi rào và để dùng hay để bán. Nếu để bán thì sáng hôm sau người ta chở củi ra chợ. Nếu là củi đò, họ đậu thành một dãy dưới bến sông, còn nếu là củi xe, đứng thành hàng ngay ngắn trên trục đường chính vào chợ. Người mua cứ việc xem, kiểm tra chất lượng… Nếu được thì người bán sẽ chở về tận nhà, tiền trao cháo múc.
Nay, điện khí hóa tưng bừng khói lửa. Rừng càng ngày càng bị thu hẹp. Nhà nhà sơn tít, đá điếc láng tưng, không còn chỗ cho củi rào ló mặt. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn những bếp củi vấn vương khói lam chiều. Một chút gì để gợi nhớ. Một chút gì như thoáng bóng quê hương!